Kiến thức chống thấm toàn tập

(1)

Khái niệm chống thấm

Chống thấm là biện pháp ngăn nước thấm vào bên trong nhà (đọc thêm trong bài giải thích thuật ngữ “chống thấm là gì“).

(2)

Nguyên nhân bị thấm

Bất cứ công trình xây dựng nào đều bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết và địa chất (đại diện của hai tác nhân nhiệt & cơ học):

  • Điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Việt Nam rất có hại cho công trình. Sự co giãn nhiệt kết hợp khí hậu nóng ẩm làm lão hóa công trình nhanh hơn.
  • Điều kiện địa chất tuy phụ thuộc nhiều vào kiến tạo địa chất từng khu vực (chẳng hạn nền móng ở vùng đồng bằng là rất yếu). Nhưng ảnh hưởng thường xuyên nhất lại là do chấn động bởi con người: do xe trọng tải lớn, do công trình xây dựng trong khu vực.

Các nguyên nhân trên khiến công trình nhanh lão hóa; dễ bị đứt gãy, co rút. Đặc biệt tại các “yếu điểm” như mạch ngừng, mối nối xây dựng. Đây là nguyên nhân cơ bản của việc tạo rãnh, khe nứt cho nước thấm qua gây ô nhiễm và hư hại công trình.

Đối với các công trình bị lão hóa, hoặc không có biện pháp chống thấm, nước cũng có thể thấm xuyên qua tường dù không có khe nứt.

(3)

Tầm quan trọng của việc chống thấm

Chống thấm là vấn đề rất rất quan trọng trong xây dựng chuyên nghiệp. Và ngày nay, nó được quan tâm trong mọi lĩnh vực xây dựng (đặc biệt nhà để ở).

Một khi công trình bị thấm sẽ dấn tới:

  • Công trình hỏng nhanh gấp cả nghìn lần (vữa bị ẩm ướt và mục, sơn bị bong tróc,…);
  • Nấm mốc và vi khuẩn gây hại phát triển cực nhanh. Vi khuẩn khó phát triển ở ngoài trời, nơi có tia cực tím. Tuy nhiên bên trong công trình thì là nơi rất lý tưởng cho mầm bệnh sinh sôi;
  • Nội thất (đồ gỗ) bị ẩm mốc và thối, hỏng;
  • Quần áo bị nấm mốc;
  • Chi phí sửa chữa sẽ tốn kém và tiềm ẩn nguy cơ tái thấm (bị thấm trở lại).

Do đó, việc chống thấm sao cho đạt hiệu quả luôn là vấn đề được các chủ đầu tư cân nhắc kỹ lưỡng. Hầu hết họ đều cân đối cả về mặt tài chính. Tuy nhiên, đối với chi phí xây dựng, việc chống thấm quả thực “chẳng thấm vào đâu”.

(4)

Những nơi cần chống thấm trong nhà ở

Với nhà ở, cần quan tâm đặc biệt tới những hạng mục chống thấm sau:

  • Chống thấm nhà vệ sinh: Đặc biệt quan trọng vì đây là nơi thường xuyên phải chịu nước. Nếu không chống thấm, sẽ gây thấm ra các phòng xung quanh.
  • Chống thấm cổ ống: Cổ ống nước ở những khu vực có nước xung quanh là nơi dễ bị nước thấm. Bởi bê tông tại vị trí cổ ống có thể bị co ngót, và ống nước thường xuyên rung động làm nhanh chóng đứt gãy liên kết với bê tông, bong tróc -> tạo khe hở!
  • Chống thấm sàn: Sàn nhà là nơi tiếp xúc với ẩm từ dưới đất. Ngoài ra, vết nứt, lún dễ hình thành khi nhà xây ở nơi địa chất kém ổn định.
  • Chống thấm chân tường: Chân tường cũng là vị trí yếu điểm. Do ở đây có mạch ngừng, mối nối xây dựng giữa móng và tường. Ngoài ra, chân tường là nơi chịu áp lực nước từ bên ngoài nhà khá lớn!
  • Chống thấm mái, trần nhà: Đặc biệt quan trọng. Mái nhà có điểm chung với sàn nhà và chân tường. Xung quanh mái rất dễ hình thành vết nứt bởi co dãn nhiệt độ. Ngoài ra,mái nhà là nơi chịu điều kiện khắc nghiệt nhất về nhiệt độ, và chịu áp lực nước lớn nhất vào mùa mưa.
  • Chống thấm tường nhà: Tường nhà rất dễ nứt do rung động địa chất (nơi có xe trọng tải lớn, công trình xây dựng). Ngoài ra, tường nơi gần cột cũng dễ bị nứt tại các vị trí mạch ngừng.
  • Chống thấm mặt ngoài tường: Thường sử dụng sơn. Mặc dù đây không phải hình thức chống thấm chính và độ bền thường kém, không chịu được rạn nứt. Tuy nhiên cũng là biện pháp kết hợp tốt cho việc chống thấm tường nhà.

(5)

Những nơi cần chống thấm cho các công trình không phải nhà ở

Các công trình không phải nhà ở cũng có thể có vị trí cần chống thấm tương tự với nhà ở. Ngoài ra, mỗi loại công trình có những vị trí khác cần chống thấm. Tùy tình hình cụ thể mà có phát sinh những vị trí và phương án chống thấm khác nhau.

(6)

Nguyên tắc chống thấm cơ bản

  • Lấp kín: Đây là nguyên tắc cơ bản nhất. Cần lấp kín không có lỗ hổng cho phân tử nước đi qua.
  • Chống co giãn: Hiện tượng co giãn tạo vết nứt, đứt gãy là nguyên nhân chính gây thấm. (Trong bài, tác giả đôi khi có sử dụng “co giãn” lẫn “co dãn”. Cả hai từ này đều giống nhau trong tiếng Việt).
  • Tạo độ đàn hồi: Khả năng đàn hồi sẽ chống lại tác hại khi có đứt gãy, co giãn.
  • Kết dính các lớp: Việc kết dính tốt giữa các lớp khiến nước không có rãnh để lưu lại và di chuyển.
  • Tạo độ dốc: Tránh nước ngưng đọng quá lâu tại một vị trí gây ngấm dần dần và lão hóa bê tông.

(7)

Những dạng vật liệu chống thấm tương ứng

  • Lấp kín: Sơn chống thấm mặt ngoài; sơn chống thấm 2 thành phần gốc xi măng; màng lỏng chống thấm gốc bitum (nhựa đường); màng khò; băng cản nước PVC, thanh trương nở cao su; vữa không co ngót, phụ gia chống thấm bê tông; gạch chống thấm; keo, silicon, nến,…
  • Chống co giãn: Vữa không co ngót.
  • Tạo độ đàn hồi: Màng khò; vật liệu sơn chống thấm 2 thành phần có chứa gốc polyme; băng cản nước; thanh trương nở cao su.
  • Kết dính các lớp: Phụ gia kết nối bê tông; keo; silicon,…
  • Tạo độ dốc: Vữa thông thường, gạch.

(8)

Những máy móc, thiết bị thường dùng trong thi công chống thấm

  • Máy đục rãnh điện nước: là thiết bị cầm tay loại nhỏ chuyên sử đụng để tạo rãnh tường gạch block, gạch trưng áp, gạch bọt;
  • Máy hút, thổi bụi: Máy chuyên dụng, làm sạch bề mặt cần thi công;
  • Máy khuấy, trộn: Cần thiết để trộn các vật liệu nhiều thành phần (không thể quấy tay vì yêu cầu chất lượng).
  • Máy phun chống thấm 2 thành phần: Thay cho việc quét bằng tay. Nâng cao hiệu quả công việc.
  • Máy bơm keo PU – EPOXY
  • Máy phun sơn- phun bột bả
5/5 - (40 bình chọn)

3 thoughts on “Kiến thức chống thấm toàn tập

  1. Nhữ Thùy Linh nói:

    Bài viết khá tổng hợp và chắt lọc. Thực tế chỉ cần nắm được chừng này là đủ để tự nghiên cứu, tìm hiểu về lĩnh vực chống thấm rồi. Cảm ơn tác giả!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *