Thi công màng khò nóng (khò nhiệt) Bitum là công việc yêu cầu tỉ mỉ và thận trọng. Rủi ro từ việc thi công này từ mức độ an toàn lao động, đến an toàn chống thấm đều cao. Do vậy, thợ thi công cần tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc, quy định, quy trình thi công màng khò nóng. Hướng dẫn chống thấm bằng màng khò này hi vọng sẽ giúp được các anh em thi công.
Mục lục
Màng khò nóng Bitum là gì?
Màng khò nóng chống thấm (màng khò nhiệt) là vật liệu quen thuộc từ nhiều năm nay trong lĩnh vực chống thấm. Được sản xuất từ hợp chất Polymer APP chọn lọc và hỗn hợp giàu bitum (gốc gần giống nhựa đường). Do đó, nó còn được gọi là màng Bitum.
Sự kết hợp giữa vật liệu Polymer và nhũ tương Bitum cùng các vật liệu phụ gia khác giúp cho màng khò nhiệt có tính chất mềm, dẻo, cản nước, dễ tan ở nhiệt độ cao. Lớp bên trong tấm màng Bitum được gia cố bằng lưới polyester không đan. Giúp tăng cường các tính chất như độ bền, khả năng chịu va đập, độ dẻo, dai, đàn hồi, chịu nhiệt,…
Trong lịch sử chống thấm, màng khò nóng Bitum vẫn được xem là vật liệu được sử dụng nhiều hàng đầu. Mặc dù nó đang có xu hướng thu hẹp lại bởi sự cạnh tranh của những vật liệu mới ưu việt hơn.
Cách thi công màng khò nóng Bitum hợp chuẩn
Nguyên tắc chung
Việc chống thấm bằng màng khò nóng yêu cầu rất kỹ về bề mặt. Bề mặt không những phải phẳng, sạch, mà còn phải khô ráo. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ. Để có thể kết dính tốt với bề mặt bê tông, cần quét lót lớp nhũ tương gốc Bitum (thường gọi là Membrane). Sau đó đợi ráo rồi khò để vật liệu bitum lót thấm vào bê tông. Đồng thời kho màng và dán màng, ép màng bám vào lớp lót. Các mí nối giữa những tấm màng bitum cần được khò dán cẩn thận. Sau đó là trát tạo lớp bảo vệ cơ học bằng vữa.
Để thi công đảm bảo chất lượng, cần ghi nhớ và tuân thủ theo hướng dẫn chống thấm bằng màng khò này.
Quy trình thi công màng khò nóng Bitum
Thời gian cần thiết: 7 ngày
7 công đoạn thi công chống thấm bằng màng khò
- Chuẩn bị vật liệu, trang thiết bị
Màng khò, vật liệu lót, công cụ thi công
- Chuẩn bị bề mặt thi công
Làm phẳng, nhẵn, sạch bề mặt và để khô
- Đo và cắt màng
Đo chính xác để các mép chồng lên nhau 5-6 cm
- Quét lớp lót
Quét Membrane để tăng kết dính cho màng
- Khò màng và dán màng nhiệt
Dùng máy khò gas để làm mềm mặt dưới màng khò và dán
- Khò dán chồng mép, hàn kín và gia cố
Hàn chồng mép các tấm màng khò với nhau
- Test thấm và nghiệm thu công trình
Kiểm tra khả năng chống thấm để nghiệm thu
➢ Chuẩn bị vật liệu, trang thiết bị
Cần tính toán chuẩn bị đầy đủ lượng vật tư gồm vật liệu quét lót, màng khò, khí đốt máy khò. Các trang bị chống thấm đầy đủ như thiết bị vệ sinh bề mặt, máy khuấy, trang bị bảo hộ lao động, máy khò nhiệt.
➢ Chuẩn bị bề mặt thi công
Cũng như thi công chống thấm bằng các vật liệu khác. Chống thấm bằng màng khò nhiệt (khò nóng) thì việc chuẩn bị bề mặt thi công cũng quan trọng hàng đầu. Bề mặt thi công thường được tính là mặt ngang (và phần mặt đứng phía chân tường tới độ cao hơn sàn hoàn thiện khoảng 20-40 cm)
Bề mặt phải phẳng: Những phần lõm cần trám lại, những phần thừa cần đục bỏ.
Đảm bảo bề mặt sạch sẽ: Sau khi làm phẳng bề mặt, cần cọ sạch những rêu mốc, dầu mỡ,… (những chất bám trên bề mặt bê tông). Sau đó dùng chổi nhựa quét sạch. Nếu có thể thì rửa sạch bề mặt bằng nước rồi để khô ráo. Hoặc dùng máy thổi và hút bụi chuyên dụng.
➢ Đo và cắt màng
Do màng khò nóng được sản xuất thành cuộn, nên cần phải đo cắt để phủ lên bề mặt cần chống thấm. Phải lưu ý những việc sau:
- Cần đảm bảo các mép (mí nối) chồng lên nhau từ 5 – 6 cm. Không được ít hơn vì đây là khu vực yếu điểm của màng khò.
- Các khu vực mép tường, chân tường phải được dán cao thêm từ 20-25cm tính từ mặt hoàn thiện. Thông thường, có thể lấy 40 cm tính từ bề mặt dán màng.
- Các khu vực cực yếu điểm của màng khò phải kể đến là các góc tường, cổ ống. Và các điểm gồ ghề, giật cấp nói chung. Những điểm này cần thêm miếng màng gia cố.
➢ Quét lớp lót
Sau khi đo cắt màng, trải ra toàn bộ diện tích cần thi công. Bắt đầu quét lót lớp nhũ tương gốc bitum lên bề mặt cần dán màng. Đợi cho bề mặt lót khô lại.
➢ Khò màng và dán màng nhiệt
Trải tấm màng bitum lên vị trí chuẩn bị dán. Kiểm tra kỹ, đảm bảo tuân thủ các mép đè lên tấm bên cạnh 5-6 cm. Đồng thời, mặt cần khò phải ở phía dưới.
Việc khò màng sử dùng đèn khò gas chuyên dụng. Khò phần dưới của màng đến khi bề mặt dưới màng chảy mềm (nhũn nhũn). Đồng thời khò lên lớp lót để chúng chảy thấm vào bề mặt bê tông. Rồi dán màng khò xuống bề mặt đã lót nhũ tương bitum.
Lưu ý: Việc khò cần quen tay, kinh nghiệm, sao cho vừa đủ tan hợp chất bitum trong màng để dán. Tránh khò quá tay làm chảy, thủng màng! Đặc biệt phải cẩn thận khi khò gần đường ống, hộp kỹ thuật, đường điện,…
Khi dán màng xuống bề mặt cần chống thấm đến đâu, thì sử dụng lực cơ học để ép nó xuống đến đó. Sao cho dính thật chặt và không bị bọt khí. Có thể dùng chân với công trình nhỏ. Hoặc dùng một thiết bị lu lăn.
➢ Khò dán chồng mép, hàn kín và gia cố
Những vị trí mép màng chồng lên nhau, cần dùng đèn khò làm nóng chảy mép màng. Sau đó miết cho dính vào nhau. Nếu mặt bằng dốc, thi công từ nơi thấp về nơi cao hơn để không gây lỗi hở khe.
Các khu vực giật cấp như mép tường, hộp kỹ thuật hay các mạch khe co giãn cần gia cố thêm nhiều lớp màng. Đây là những điểm “khó” và tiềm ẩn nhiều rủi ro bị hư hại, gây thấm về sau. Và yếu điểm chết người này khiến màng khò bị các loại màng quét lạnh qua mặt.
➢ Test thấm và nghiệm thu công trình
Khu vực làm chống thấm sau khi để nguội, cần được bơm ngập nước vào để kiểm tra khả năng chống thấm khoảng 1-3 ngày. Nếu xảy ra thấm thì sẽ phải kiểm tra để khắc phục mới có thể nghiệm thu.
Ngay sau khi test nước, kiểm tra khả năng chống thấm thành công. Phải lập tức thi công lớp bảo vệ (láng vữa). Tránh để lâu màng có thể bị bong rộp bởi co giãn nhiệt khi tiếp xúc nhiệt độ trực tiếp. Nên thi công lớp bảo vệ càng sớm càng tốt sau khi test nước.
Không đổ các vật liệu rác, gạch vỡ, xỉ, cát.. lên trước khi cán lớp bảo vệ. Vì chúng có thể làm rách màng! Điều này cũng tương tự thi công các loại màng lạnh.
Quy định an toàn thi công khò màng Bitum
- Cần đảm bảo an toàn phòng cháy nổ do bình khí là nhiên liệu cháy nổ.
- Thực hiện công việc một cách nghiêm túc, tránh gây tai nạn khi khò vì nhiệt độ cao có thể gây cháy, bỏng.
- Khu vực thi công cần thông thoáng khí để thoát những hơi khí độc phát sinh từ khí đốt, màng khò bị nung nóng.
Màng khò đã lỗi thời?
Màng khò là một loại vật tư chống thấm có doanh số tiêu thụ rất lớn. Tuy nhiên, những “yếu điểm nguy hiểm” của màng khò khiến nó không còn được tin tưởng bởi một phân khúc thị trường hiện đại. Những lỗi xảy ra ngày một nhiều theo số lượng công trình sử dụng đa phần là do tay nghề của thợ chưa chuyên. Nhưng một phần quan trọng là vì màng khò tồn tại những yếu điểm lớn.
Nếu như màng quét hóa chất lỏng như vật liệu chống thấm hai thành phần gốc xi măng Polymer, hay vật liệu Polyurethane có khả năng quét mọi địa hình. Bất chấp sự gồ ghề, giật cấp, cổ ống,…. Thì màng khò lại tỏ ra lúng túng và yếu ớt ở điểm này.
Nếu như các loại màng quét tạo ra một bề mặt liên tục dễ dàng. Thì màng khò lại tiềm ẩn rủi ro khi dán mép, mí nối, Sự co giãn nhiệt, hay co kéo công trình có thể làm toác những mí nối giữa các tấm màng khò với nhau.
Nếu như vật liệu chống thấm gốc xi măng có thể bám chắc vào bề mặt bê tông. Thì màng khò lại phải nỗ lực thêm lớp lót, mà vẫn không chắc chắn được nó bám tốt bao lâu. Đã không ít lần thợ khò dán xong nhấc lên được cả mảng màng khò. Tất nhiên, lỗi cùng là do thợ.
Các loại vật liệu hóa chất quét màng tỏ ra linh động, mạnh mẽ, dễ thi công hơn đã khiến màng khò dần bị ghẻ lạnh ở nhiều bộ phận thợ kỹ thuật. Tuy nhiên, là một thợ chống thấm, vẫn phải biết thi công màng khò. Bởi nhiều dự án màng khò là vật liệu được chỉ định trong thiết kế. Do vậy, hãy ghi nhớ hướng dẫn cách chống thấm bằng màng khò này.
—
Bài viết liên quan: Hướng dẫn thi công vật liệu chống thấm hai thành phần gốc xi măng
Xin cảm ơn hướng dẫn quá chi tiết ạ